Lần đầu tiên Vân tận mắt chứng kiến một người chết cách đây hơn một năm lúc còn ở Việt Nam. Chứng kiến một người chết, có nghĩa là nhìn người ấy đang từ cõi sống đột ngột bước sang thế giới bên kia. Đó là ông Thọ ở cách nhà Vân ba căn trên cùng con hẻm nhỏ thuộc phường 10 quận Tân Bình.
Chẳng phải vì là hàng xóm mà Vân quen ông, láng giềng thật xa mỗi người có một cuộc sống nên cũng ít khi gặp nhau huống chi ông lại hơn Vân quá nhiều tuổi. Nếu xưng hô cho đúng thì Vân phải gọi ông bằng chú. Nhưng sỡ dĩ Vân thân với ông chỉ vì ông là tài xế xe bus trên lộ trình từ nhà Vân đến sở làm. Dù muốn dù không, ngày nào Vân cũng phải gặp ít nhất một lần vào buổi sáng.
Có một dạo xe bus là phương tiện chuyên chở công cộng rất đắt khách, chuyến nào cũng chật ních. Nhưng khi VN chuyển sang kinh tế thị trường thì dân Sài Gòn nườm nượp mua xe gắn máy. Lại thêm xe ôm phát triển, xe bus dần dà trở nên ế ẩm vì đi lại chậm chạp trên đường phố đông đúc mà ít ai tôn trọng luật lưu thông.
Chỉ có những hành khách không có phương tiện khác như Vân mới bất đắc dĩ phải bám với xe bus mà thôi. Xe vắng khách, nên mỗi khi thấy Vân bước lên, ông Thọ thường vui vẻ hỏi chuyện vu vơ mặc dù trên nguyên tắc, ông không được nói chuyện khi lái xe. Vân cũng hân hoan đáp lại, chọn cái ghế trống gần ông để đàm đạo cho quên đoạn đường tới sở. Đại khái thì toàn những câu xã giao thủ tục thôi, lâu lâu nếu trong con hẻm nhà Vân có chuyện gì bất thường xảy ra thì hai người mới có đề tài mới để bình luận.
ông Thọ không có vợ con, sống nhờ nhà người anh ruột, nhập chung hộ khẩu và coi gia đình người anh như gia đình mình. ở tuổi bốn mươi lăm, mặt ông khắc khổ ưu tư, nước da đen sạm và mái tóc phía trước hơi dài lúc nào cũng rũ xuống trán làm Vân thấy rất ngứa mắt.
ông ít cười, dù nụ cười rất tươi. Hàm răng đều như hạt bắp, phải cái tội là lúc nào cũng úa vàng vì khói thuốc. ông ghiền thuốc lá nặng ,trong túi lúc nào cũng có gói Mai, loại thuốc đen nội hóa ít người hút. Mỗi khi đường kẹt xe, ông thường chạy xuống rít một điếu hoặc có khi chỉ vài hơi rồi lại leo lên lái tiếp. Dân Sài Gòn hút thuốc nhiều, nên chẳng ai thấy ngứa mắt và cũng không thấy khó chịu vì khói thuốc.
Một buổi sáng trên đường đi làm như thường lệ, Vân ngồi ngay chiếc ghế sau lưng ông, đang kể câu chuyện bắt ghen trong xóm, và xe đang chạy ngon trớn, thì Vân bổng giật mình thấy xe bus tự dưng rẻ nghiêng sang bên phải, rồi leo hẳn lên lề, húc mạnh vào một gốc cây rồi dừng lại. Xe vẩn nổ máy, nhưng ông Thọ gục xuống trên tay lái làm còi xe cứ inh ỏi réo liên tục. Cũng may, gặp khúc lề đường rộng lại có cây lớn chặn lối nên xe không cán phải người bộ hành hoặc đâm vào nhà người ta.
Hành khách nhốn nháo đứng ngồi cả lên, Vân lay vai ông Thọ và hốt hoảng hỏi:
- Ý thôi chết, lạc tay lái hả ông Thọ? Tỉnh dậy ông Thọ !
Nhưng lay mãi mà ông không trả lời, hành khách xôn xao đưa mắt nhìn nhau rồi bỏ xuống tìm phương tiện chuyên chở khác vì sợ trể giờ làm việc. Vài người hiếu kỳ phần lớn là khách quen ngày ngày vẩn đi cùng chuyến này xúm lại cùng với Vân lôi đầu ông Thọ ngồi thẳng lên, lập tức tiếng còi xe ngưng bặt. ông Thọ ngẻo đầu sang một bên, mặt xám ngắt, miệng hơi há ra và đôi mắt lạc thần vẫn mở trừng trừng nhưng rõ ràng là mất hết sinh khí.
ông đứng tim chết mà người ta xét theo lối dân gian là ông bị trúng gió, và không ai tin là ông đã chết thật bởi nó xảy ra quá đột ngột. Vân lo lắng nhìn quanh và hỏi:
- Ơ...Có ai có dầu nhị thiên đường không?...Dầu gì cũng được...Cho tôi mượn.
Đám đông xung quanh mỗi người một câu:
- Trời...trời, ông bà nào chịu khó chạy lên ngả tư thấy ông công an, kêu dùm một cái Người khác bảo:
- Kêu xe cứu thương chứ chờ công an đến kiếp nào...
Người ta giật tóc mai, lắc mạnh hai vai ông, hoặc ấn mạnh vào ngực ông, hy vọng có thể giúp ông hồi tỉnh trong lúc chờ vào nhà thương. Nhưng tất cả đều vô ích, có người thất vọng than:
- Thôi ! Chắc chết rồi, chết thiệt rồi. Trăm phần trăm là trúng gió rồi. Trời đất ơi ! Lúc này gió nó độc lắm nghen.
Cùng với nhận xét ấy, người ta tản mác xuống xe, lảng ra xa, tránh những phiền toái lát nữa khi nhân viên công lực đến thẩm vấn. Nhưng Vân không bỏ đi được, không nở bỏ ông hàng xóm, bởi nàng vẫn bám víu ý nghĩ là ông chưa chết hẳn, chỉ bất tỉnh nhân sự mà thôi.
Nàng xuống xe, mặt nhợt nhạt ngó quanh, rồi vẫy chiếc xích lô máy rồi nhờ người tài xế lên đỡ ông Thọ xuống và chở vào bịnh viện. Nàng bảo:
- Nhanh nhanh thì may ra cứu kịp nhé ! Chắc ông ấy chỉ bị nghẹt thở thôi, chưa có chết hẳn đâu.
Rồi nàng móc bóp lấy tiền trả ông xích lô, nhưng ông xích lô ngơ ngác nhìn Vân và hỏi: - Bộ cô không đi với ông ấy sao? Đâu có được, cô không có đi chung thì tôi không có chở ông ấy đâu ! Giỡn hoài, bộ tôi ngu sao?
Vân khẩn khoản:
- Ông ơi, tội nghiệp người ta bị ngất xỉu ,ông làm ơn đưa vào nhà thương dùm. Tại tôi....tôi còn phải đi làm.
ông xích lô trợn mắt đáp:
- Ngất xỉu đâu mà ngất xỉu? Chết ngắt rồi, tôi đưa vào bệnh viện, người ta hỏi lôi thôi lắm cô ơi. Phải có người nhà mới biết đường mà trả lời chứ !
Vân nhìn ông Thọ một lần nữa, quả thật ông chết rồi. cái xác không hồn, nằm rũ trên xích lô, đầu nghiêng sang một bên. Mắt vẫn trợn trừng, và mồm vẫn há ra. Nàng bảo ông xích lô:
- Nhưng mà tôi cũng đâu phải là người nhà !
ông xích lô vừa kinh ngạc, vừa bực bội, giậm chân lắc đầu lia lịa, ông toan chửi thề, nhưng nhớ rằng trước mặt phụ nữ, nên gắt lên:
- Cô không phải là người nhà của ông ấy thì mắc mớ gì cô đòi đưa ông ấy vào nhà thương? Con người sao khờ quá ! Rồi công an hỏi cung về cái chết của ông ấy, rồi cô trả lời làm sao?
Vân cũng vừa chợt nhận ra mình tự mang cái ách giữa đàng vào cổ, nhưng một phần vì là người quen, một phần thì bây giờ cũng đã lỡ rồi làm sao rút lui được? Nàng cứ tưởng ông chỉ ngất xỉu nên mới động lòng tìm cách cứu chữa gọi xích lô đưa vào bịnh viện. Không ngờ ông đã về bên kia thế giới.
Từ lúc nghe ông xích lô xác quyết là ông Thọ đã chết, tự dưng chính Vân cũng thấy rờn rợn và không dám nhìn mặt ông nữa. Nhưng bây giờ biết làm sao, khách bộ hành đi ngang hiếu kỳ bu lại mỗi lúc một đông hơn vì ông xích lô khua chân, múa tay nói quá lớn, ông chán nản bảo Vân:
Home | Lượt Xem: 1/ |